Search Results
14 items found for ""
- FED tăng lãi suất ảnh hưởng gì đến nền kinh tế?
Ta thường đọc và nghe tin tức báo chí nói về việc FED tăng- giảm lãi suất để củng cố và ổn định nền kinh tế. Vậy việc FED tăng lãi suất ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến nền kinh tế? và việc FED tăng hay giảm lãi suất ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam? Ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết ngày hôm nay nhé! FED là gì? Federal Funds Rate tên tiếng anh của thuật ngữ Lãi suất quỹ liên bang. Được hiểu là mức lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay trong khoảng thời gian là một ngày (hoặc các khoản vay qua đêm) để có được số tiền bằng đúng với yêu cầu dự trữ bắt buộc của FED. FED được xem là tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới, đây chính là nơi được in tiền USD. Lãi suất này là một công cụ mà Fed sử dụng để kiểm soát tăng trưởng kinh tế Mỹ và là chuẩn mực cho lãi suất thẻ tín dụng, thế chấp, vay ngân hàng và nhiều thứ khác. Mức lãi suất này sẽ làm nền tảng và bất kỳ thay đổi nào gây ra biến động đáng kể trên thị trường tài chính, đặc biệt là USD. 2. Tác động của việc điều chỉnh lãi suất FED đến nền kinh tế Mỹ: a. Ảnh hưởng gì khi FED tăng lãi suất? Các loại lãi suất như: lãi suất vay, lãi suất tiền gửi, lãi suất trái phiếu,... đều phải lấy lãi suất FED làm cơ sở chính. Khi lãi suất này tăng lên kéo theo đồng thời các loại lãi suất đang có trên thị trường cũng phải tăng lên. Lãi suất tăng => hạn chế việc vay của cá nhân, doanh nghiệp. Lãi suất tăng cũng khiến các cá nhân, doanh nghiệp tập trung vào việc chi trả các khoản nợ còn thiếu tại các ngân hàng => tiền sẽ không chảy vào nền kinh tế mà sẽ về các ngân hàng. Điều này giúp FED giảm đà tăng của lạm phát, đưa lạm phát về thế ổn định. b. Ảnh hưởng gì khi FED giảm lãi suất? Khi FED giảm lãi suất, các lãi suất như lãi suất vay, lãi suất tiền gửi, trái phiếu,...đồng loạt giảm, điều này kích thích cá nhân, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, đưa dòng tiền bơm ra thị trường. Điều này giúp kích thích nền kinh tế: - Các doanh nghiệp có ngân sách để đầu tư. - Các cá nhân có ngân sách chi tiêu mua sắm => nhờ chi tiêu mua sắm giúp đẩy doanh thu và phát triển cho các doanh nghiệp. => Chính những điều này sẽ tác động làm dòng tiền trở nên linh hoạt và kinh tế thị trường khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nếu chính phủ giữ mức lãi suất này ổn định, việc sử dụng dòng vốn của cá nhân, doanh nghiệp cũng dần trở nên kém hiệu quả => Việc này dễ dẫn đến hệ lụy Bong bóng tài sản (lãi suất ổn định khiến nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng tiền vay để mua tài sản) và tỷ lệ lạm phát cao hơn (vì dòng tiền được bơm vào thị trường liên tục). Lâu dài, điều này gây nguy hại đến nền kinh tế thị trường và tệ hơn là sự khủng hoảng kinh tế. 3. Tác động của việc điều chỉnh lãi suất FED đến các quốc gia khác: a. Tác động về ngoại thương (xuất, nhập khẩu): Bởi việc điều chỉnh này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị đồng USD (đơn vị tiền tệ của Mỹ). Việc tăng lãi suất đi đôi với việc tăng giá trị mệnh giá tiền USD (do USD được đưa ra thị trường hạn chế hơn). Mệnh giá tiền USD tăng thì 1 đồng USD sẽ đổi được nhiều đồng ngoại tệ khác hơn (vì đồng USD có giá). Từ đó ảnh hưởng đến giá trị xuất nhập khẩu trong và ngoài nước của các quốc gia khác khi nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ: - Các quốc gia xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ thu về đồng USD sẽ có giá hơn so với thời điểm FED chưa tăng lãi suất. - Các quốc gia nhập khẩu hàng hóa đến Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua các hàng hóa từ Mỹ này vì đồng USD có giá. => Chính vì thế, việc FED tăng lãi suất sẽ có lợi cho các quốc gia và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ, ngược lại, sẽ có bất lợi cho các quốc gia thường xuyên nhập khẩu, mua sắm hàng hóa từ Mỹ. b. Thu hút dòng vốn từ Mỹ: Việc FED tăng lãi suất cho vay sẽ làm cho các doanh nghiệp FDI (các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài) khó khăn trong việc vay vốn, từ đó, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp ở Mỹ đổ về Việt Nam sẽ ít hơn, điều này gây bất lợi cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tóm lại, việc FED tăng giảm lãi suất nhằm điều chỉnh phục hồi nền kinh tế. Việc tăng và giảm lãi suất ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, không chỉ là với nền kinh tế Mỹ mà còn là nền kinh tế của các quốc gia khác. Hi vọng với bài viết trên, bạn có thể nhìn thấy mạch liên kết giữa việc FED tăng giảm lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và các quốc gia liên quan, từ đó có những hình dung và đưa ra những quyết định đúng đắn cho việc kinh doanh và các quyết định chi tiêu của bản thân. (Nguồn hình ảnh: Sưu tầm) By Hyn, 22 Nov 2023
- Connect the Dots - Kỹ năng quan trọng trong thời đại công nghệ số 4.0
Connect the dots khá quen thuộc cho các bạn dùng tiếng Anh bởi nó là một thành ngữ chỉ sức mạnh của kết nối những kiến thức (những điểm chấm) của con người trong việc vận dụng nó vào đời sống và công việc. Connect the Dots - Kỹ năng này là gì? Kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, cả những người bạn đã gặp trong quá khứ,...tất cả những gì bạn gặt hái được đều là những điểm chấm. Connect the Dots chỉ sự kết nối và vận dụng những điểm chấm này để hỗ trợ cho công việc và cuộc sống của bạn trong hiện tại. Việc kết nối này có thể giúp bạn có thêm những ý tưởng mới, hoặc phương pháp để giải quyết các vấn đề trong hiện tại. Bạn đã từng nghe ai đó khiêm tốn nói " Tôi cái gì cũng biết nhưng không biết rõ chi tiết cái gì" chưa? Thực ra chỉ cần bạn "cái gì cũng biết" cũng đã đủ giúp bạn có được mạng lưới những kiến thức để đưa ra nhận định hoặc giải quyết vấn đề rồi. Việc hiểu biết rộng rãi sẽ giúp bạn phát triển năng lực theo chiều ngang, những kiến thức này tuy không sâu nhưng nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) Kỹ năng Connect the Dots hỗ trợ gì cho cá nhân trong thời đại 4.0 Đầu tiên phải kể đến, việc kết nối mạng lưới kiến thức sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về ngành, lĩnh vực, thị trường. Điều này rất quan trọng dù bạn là nhân viên cho một công ty hay là một nhà lãnh đạo. Thị trường đang ngày một nhiều sự thay đổi, đặc biệt từ khi công nghệ thông tin phát triển, mọi thông tin đều được truyền tải nhanh chóng, việc bạn hiểu biết rộng sẽ giúp bạn có cái nhìn rộng và dễ dàng ra quyết định cho công việc và cuộc sống. Thời đại công nghệ 4.0 mang đến nhiều tiện ích nhưng cũng dần khiến con người bị đào thải bởi những công việc mang tính chất lặp lại, thay thế vào đó là máy móc và trí tuệ nhân tạo. Chẳng hạn, thư ký, kế toán, content creator hay thậm chí là lập trình viên, nhà thiết kế đồ họa,...máy móc cũng phần nào có thể thay thế các công việc này. Con người lúc này sẽ tập trung vào những công việc về mặt quản lý, về sáng tạo, về chiến lược, ra quyết định,...điều này cần đòi hỏi kỹ năng "connect the dots" để kết nối các kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ phục vụ cho các quyết định quan trọng. Vậy làm thế nào để rèn luyện kỹ năng "Connect the Dots"? Connect the Dots bao gồm 2 kỹ năng: Thu thập (các dấu chấm) và Kết nối (các dấu chấm). Việc 1: thu thập các dấu chấm - tức những kiến thức, trải nghiệm và mối quan hệ. Kiến thức: thu thập được qua việc đọc sách, học, nghiên cứu thông tin, tài liệu,...và rất rất nhiều cách để bạn bổ sung kiến thức khác mà mình tin mỗi người sẽ có một phương pháp tìm hiểu, học tập khác nhau. Trải nghiệm: có nhiều cách để tạo trải nghiệm, đơn giản như thay đổi thói quen: mỗi sáng thay vì đi làm trên cung đường quen thuộc thì hãy thử thay đổi cung đường, có thể mất thời gian hơn nhưng bù lại bạn sẽ có thêm trải nghiệm. Bạn cũng có thể nhận thêm một số công việc, có thể là xin nhận một mảng hoặc một đầu việc (task) nào đó từ sếp và trước giờ bạn chưa thử làm, hoặc cũng có thể tự kinh doanh,...tất cả sẽ tạo nên trải nghiệm cho bản thân và làm tăng thêm "dấu chấm" cho bạn. Mối quan hệ: Một trong những thứ giá trị nhất mà bạn cần xây dựng và phát triển đó là mối quan hệ. Từ các liên hệ mà bạn có sẽ hỗ trợ cho công việc và cuộc sống của bạn rất nhiều. Mỗi người là một kho tàng những trải nghiệm và kiến thức mà họ gặt hái được, thông qua cách trao đổi, đặt câu hỏi, bạn cũng có thể học được rất nhiều. Mình rất trân quý tất cả các mối quan hệ dù là sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới, hay tất cả các mối quan hệ ngoài cuộc sống khác bởi ở mỗi người, mình đều thấy được những điều hay mà mình có thể học được từ họ. Việc 2: Kết nối các dấu chấm để tổng hợp, đúc kết góc nhìn, ra quyết định Để làm được việc này, chỉ có 1 keyword duy nhất là luyện tập. Khi tiếp nhận 1 vấn đề, một kiến thức hay trải nghiệm mới, bạn hãy tập suy nghĩ "Nguồn gốc của vấn đề này là gì?", "Vì sao vấn đề này lại xảy ra theo hướng như vậy?", "Vì sao hành vi của cá nhân này lại như vậy?"; điều này sẽ giúp bạn kết nối và tổng hợp tất cả các kiến thức hiện có và hiểu được nguồn gốc vấn đề. Hãy luyện tập nó thường xuyên, kết nối những kiến thức cũ và kiến thức mới để hệ thống hóa lại những trải nghiệm, kiến thức và mối quan hệ với nhau. Và nhớ là, hãy cố gắng giữ cho đầu óc thật minh mẫn, trí tuệ bởi có như thế thì việc kết nối, tổng hợp và đúc kết kiến thức sẽ dễ dàng, khách quan hơn. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) "Connect the Dots" là một trong những kỹ năng quan trọng đi cùng với bộ kỹ năng "Flexibility", "Adaptability",...mà bất kỳ ai cũng cần phải trang bị trong thời đại kỷ nguyên số 4.0. Qua bài viết này, hi vọng các bạn đã phần nào hiểu và có thể tự rèn luyện, nâng cao năng lực để phát triển bản thân mình hơn nữa. Máy móc có thể thay thế những công việc mang tính lặp lại, nhưng việc quản lý, ra quyết định, hay sáng tạo vẫn rất cần con người - những con người trí tuệ, hiểu biết, có năng lực kết nối kiến thức và xây dựng mối quan hệ. By Hyn,
- Educate khách hàng?
Với một sản phẩm mới chưa có nhu cầu trên thị trường, nhiều nhà khởi nghiệp có xu hướng tìm cách để "Educate khách hàng" (Dạy khách hàng). Nhưng liệu điều này có nên hay không? Với những sản phẩm mới chưa có nhu cầu trên thị trường, các nhà điều hành thường có suy nghĩ cần phải "educate khách hàng" để họ hiểu và tạo sự phát sinh nhu cầu sản phẩm, từ đó mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của họ. Đó có thể là thay đổi hành vi mua hàng của khách hàng (ví dụ từ mua sắm truyền thống, mua sắm online,...chuyển sang hình thức mua sắm khác mà thị trường chưa có, hay thay vì thanh toán bằng tiền mặt, thẻ, App thanh toán,...thì có thể thanh toán bằng đồng coin,...). Việc "educate khách hàng" (dạy cho khách hàng) thực ra nếu hiểu một cách khách quan thì sẽ có những tác động tích cực đến doanh nghiệp, giúp tạo ra nhu cầu từ đó kích thích khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp. Mặc khác, doanh nghiệp bán một sản phẩm mới chưa có trên thị trường thì doanh nghiệp cũng đang nằm trong khu vực đại dương xanh, độc chiếm thị trường, tạo ra nhiều lợi thế kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, "educate khách hàng" khó khăn và tốn kém rất nhiều. Bạn biết đó, rất khó để hướng cho ai đó thay đổi hành vi thói quen mua hàng của họ, hay thói quen sử dụng một sản phẩm dịch vụ nào đó, người ta nói "gian sơn khó đổi, bản tính khó dời", mà không phải là một khách mà là hàng triệu, hàng triệu người tiêu dùng bên ngoài. Bài toán "educate khách hàng" mất rất nhiều tiền bạc, thời gian, chiến lược và công sức của các nhà kinh doanh. Chính vì thế nếu doanh nghiệp của bạn đủ mạnh, có đủ tiềm lực về kinh tế, kiên nhẫn đủ thời gian để thay đổi hành vi khách hàng thì "educate khách hàng" vẫn là việc nên làm, còn nếu bạn chỉ là một startup với quy mô, nguồn lực và nguồn vốn tương đối vừa và nhỏ, thì việc "educate khách hàng" rất khó. Vậy làm sao để giúp khách hàng phát sinh nhu cầu để mua dịch vụ của doanh nghiệp bạn? Đáp án là thay đổi mình trước. Ngược lại việc doanh nghiệp bạn dạy cho khách hàng thì thay đổi thành khách hàng dạy cho doanh nghiệp bạn. Khách hàng sẽ là người dạy cho bạn hành vi nào họ thường làm, đâu là vấn đề họ cần bạn giải quyết, bạn nên có chiến lược giá, hay chiến lược tiếp cận khách hàng như thế nào để thu hút được họ. Điều này được làm thông qua việc bạn nghiên cứu hành vi khách hàng mục tiêu, tung ra các bản MVP (Minimum Variable Product),...để được tiếp xúc với khách hàng, cho khách hàng trải nghiệm thử và đo lường phản ứng khách hàng với dịch vụ của bạn. Sản phẩm tung ra thị trường là sản phẩm giao thoa giữa Những thứ mà doanh nghiệp bạn làm tốt và có thể cung cấp cho khách hàng với Những gì khách hàng cần. Sản phẩm có độ giao thoa sẽ giúp khách hàng hiểu và chấp nhận sản phẩm của bạn dễ dàng hơn, một khi khách hàng chấp nhận sản phẩm của bạn, bạn có thể tung ra nhiều phiên bản mà doanh nghiệp bạn đang làm tốt. Việc kinh doanh đòi hỏi một chiến lược dài hơi, tốn rất nhiều thời gian và chi phí, đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn. Và nên hiểu, khách hàng sẽ là người dạy cho bạn rằng bạn cần là gì để phát triển sản phẩm của mình, hãy dành thời gian làm nghiên cứu, tung các phiên bản MVP và không ngừng học hỏi từ thị trường, hành vi khách hàng. Chúc bạn sẽ sớm trở thành người tạo ra "đại dương xanh" cho doanh nghiệp mình! By Hyn,
- Cần cù bù thông minh - Đúng hay không?
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: Cần cù bù thông minh với ý nghĩa nếu không thông minh thì có thể làm việc chăm chỉ, khi làm việc chăm chỉ thì sẽ đạt được kết quả. Mục đích khuyến khích ta nỗ lực, phấn đấu, dù không có phẩm chất thông minh sẵn có nhưng nếu ta đủ cố gắng, chăm chỉ thì sẽ đạt được kết quả. Ngẫm nghĩ câu này, mình có 1 góc nhìn khác mà bài hôm nay muốn bàn luận cùng các bạn. Thực ra, để đạt được những mục tiêu của bản thân, dù thông minh hay không thì ta luôn cần sự chăm chỉ, nỗ lực. Không có thành công nào là ngẫu nhiên hay may mắn 100%, tất cả đều nhờ vào sự nỗ lực phấn đấu. Nếu bạn là người sáng dạ, thông minh bẩm sinh thì điều này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong phương pháp thực hiện, cách thức làm việc để đi đến mục tiêu, nhưng điều kiện tiên quyết vẫn cần đó là sự nỗ lực, quyết tâm và chăm chỉ. Mặc khác, theo khoa học, nếu ta cần cù, chăm chỉ thì chắc chắn ta sẽ thông minh. Vì trí thông minh là thứ cần được tôi luyện, việc nỗ lực và chăm chỉ thực hiện sẽ giúp não tăng khả năng ghi nhớ, tư duy và khả năng sáng tạo, từ đó trí thông minh sẽ tăng thêm. Dù bẩm sinh một người rất thông minh nhưng nếu không có sự rèn luyện thì trí thông minh cũng sẽ ngày một mất đi, giống như cơ bắp của một người tập gym, 1 người cơ bắp nếu không luyện tập thì cơ sẽ teo lại. Chính vì vậy, dù là thông minh ở yếu tố bẩm sinh hay không, bạn vẫn rất cần phải luyện tập để tăng khả năng ghi nhớ, phát triển trí tuệ. Với câu Cần cù bù thông minh, ta hãy đừng nghĩ theo ý nghĩa cũ của nó nữa, mà hãy hiểu nó theo ý nghĩa "Practice make perfect" (Nghĩa là Rèn luyện sẽ tạo sự hoàn hảo - hay Sự hoàn hảo được tạo thành bởi sự tôi luyện). (Nguồn ảnh: Freepik) Lúc đọc câu này, mình nhớ ra ngày xưa mình cũng đã từng bị thầy giáo nói "Cần cù bù thông minh" với ý nghĩa là mình không thông minh, chỉ do mình chăm nên mới đạt kết quả tốt thôi, khi thầy so sánh mình với một học sinh khác mà thầy ưu ái khen ngợi là thông minh. Ngày xưa mình không hề vui khi nghe câu đó, nhưng giờ khi nghĩ lại, mình muốn hiểu nó theo nghĩa tích cực hơn như trên. Nếu bạn đã từng bị ai đó nói như vậy, thì cũng đừng quá bận tâm nhé, bởi từ hôm nay, ta hiểu "Cần cù bù thông minh" chính là một sự khích lệ rằng: chăm chỉ, nỗ lực chắc chắn sẽ đưa ta tới thành công! By Hyn,
- Tìm hiểu về EdTech
EdTech (Education x Technology) - cụm từ gần đây được nhắc đến khá nhiều trong giới startup, đặc biệt với các startup trong lĩnh vực Giáo dục. Vậy EdTech là gì và EdTech ra đời từ khi nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé! (Nguồn ảnh: Sưu tầm) EdTech là gì? EdTech là cụm từ kết hợp giữa Education (Giáo dục) và Technology (Công nghệ). Có thể hiểu một cách đơn giản EdTech là việc đưa công nghệ vào giáo dục để nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển và len lỏi vào tất cả các mặt của đời sống; và ngành giáo dục cũng không là ngoại lệ, ta hay gọi là "chuyển đổi số" cho ngành giáo dục. EdTech ra đời từ khi nào và vì sao thời gian gần đây trở nên rầm rộ? Thật ra, EdTech đã có mặt từ rất lâu trên thế giới, ta có thể thấy mô hình học và lấy chứng chỉ online của Edx, Udemy,...đã có mặt và phát triển rất lâu đời trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, hơn 10 năm trước chắc hẳn các bạn luyện thi đại học đã rất quen thuộc với trang hocmai.vn,...đó cũng là một trong những mô hình EdTech phát triển rất lâu đời tại Việt Nam. Từ năm 2021 khi dịch bắt đầu bùng lên, nhu cầu học online trở thành thiết yếu và sau đó cũng tạo ra thói quen cho các tổ chức dạy học, người dạy và người học quen với phương pháp học/dạy trực tuyến. Mô hình EdTech cũng vì thế mà trở nên phát triển hơn bao giờ hết. Cho đến thời gian gần đây, khi mà công nghệ phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, đợt suy thoái kinh tế 2022-2023 đã dấy lên hồi chuông cho các nhà kinh doanh và đầu tư chuyển hướng từ các ngành như thực phẩm, bất động sản,...chuyển hướng sang các ngành mang hướng bền vững hơn như giáo dục, y tế,...chính vì thế, EdTech là sự lựa chọn an toàn, đúng thời điểm và hoàn toàn hợp lý để các nhà kinh doanh và đầu tư tập trung phát triển. Mục tiêu của EdTech Ngành giáo dục tạo nên sứ mệnh cao cả cho người làm giáo viên giảng dạy, nhưng vô hình dung cũng tạo ra sức ép đến người giáo viên bởi sức nặng của việc giảng dạy. Không chỉ là truyền tải kiến thức đến học sinh mà còn là việc thực hiện soạn giáo án, tổng hợp và chấm điểm bài làm của học sinh và rất nhiều hoạt động bên lề như xây dựng sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy và học, các hoạt động đoàn thể,...Tất cả những công việc này đều được làm tỉ mỉ, thủ công trên giấy hoặc đánh máy, mất rất nhiều thời gian công sức, nhưng đôi lúc không tránh khỏi sai sót. EdTech ra đời nhằm mang lại giải pháp cho việc dạy và học, không chỉ giúp học sinh tiếp cận các phương pháp học tập trực quan, dễ hiểu mà còn giúp giảm tải áp lực cho người làm nghề giáo, giúp linh hoạt và tối ưu khả năng giảng dạy, truyền tải và các hoạt động đi kèm. Xa hơn nữa, EdTech ra đời còn giúp việc học được cá nhân hóa, nâng cao chất lượng cho người học. Người học có thể lựa chọn những bài học mong muốn phù hợp với nhu cầu, năng lực và mong muốn của bản thân; đồng thời cũng có thể chủ động học mọi lúc, mọi nơi. Kiến thức và thông tin, bài học cũng được người học dễ dàng cập nhật nhanh chóng, đa kênh mà không bị gò bó bởi giáo trình, giáo viên hay phương pháp đào tạo. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) Các mô hình kinh doanh EdTech phổ biến hiện nay 1. Learning Management Systems (Mô hình quản lý lớp học) như hệ thống E-learning VnEdu LMS của VNPT (hiện đang được sử dụng rộng rãi trong giáo dục tại các trường công lập), Dojo (hiện đang là ứng dụng quản lý lớp học và điểm số cho CodeSpace),... 2. School Administration (Hệ thống quản lý trường học) như quản lý giáo viên (database, chấm công,...), quản lý chuyên môn (thời khóa biểu,...), lớp học (database học sinh và phụ huynh, giáo viên giảng dạy, điểm số,...), hệ thống thư viện,... 3. Next-Gen Study Tool (Mô hình tạo trò chơi để tăng tương tác giáo dục) ví dụ: Kahoot!, Aha Slide, Mentimeter,... 4. Language Learning (Mô hình học ngôn ngữ trực tuyến) ví dụ: DuoLingo, Cambly, Elsa,... 5. Enterprise Learning (Mô hình đào tạo các kỹ năng chuyên môn online, lấy bằng online,...) ví dụ: edX,...tương tự là mô hình Broad Online Learning Platforms (giúp chọn và thực hiện các khóa học trực tuyến, lấy bằng trực tuyến,...) như Udemy, Coursera,… 6. Early Childhood Education (Mô hình giáo dục dành riêng riêng cho trẻ em) ví dụ: Cambly Kid, Scratch Foundation, Robolox,... 7. Technical Education (Mô hình đào tạo về công nghệ cho trẻ em hoặc những người chưa biết về công nghệ), như doanh nghiệp mình đang phát triển về lĩnh vực đào tạo công nghệ cho trẻ em cũng nằm trong danh mục này. Tuy mới chỉ trở thành xu hướng trong thời gian gần đây nhưng EdTech đã có mặt từ rất lâu đời. EdTech đã và đang trở thành ngành có xu hướng đầu tư mạnh nhất thời điểm hiện tại. Nhờ việc "số hóa" trong lĩnh vực giáo dục này, mong rằng sẽ giảm tải áp lực cho ngành giáo dục, đặc biệt giúp cho giáo viên và học sinh có được môi trường dạy học trực quan, sinh động và nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa. By Hyn,
- Thúc đẩy kinh doanh bằng Sản Phẩm Dẫn
Nếu bạn đang kinh doanh theo hình thức B2C (Business to Customer - bán hàng đến tận tay người tiêu dùng), hoặc ngành hàng bán lẻ thì hãy tham khảo chiến lược Sản Phẩm Dẫn để thúc đẩy và tạo bàn đạp để sản phẩm của bạn được tiếp cận gần hơn với khách hàng. Tìm hiểu Sản phẩm dẫn thông qua Phễu Sản Phẩm Trong danh mục hàng hóa của doanh nghiệp, cần phân tầng và sắp xếp một cách phù hợp đúng với chiến lược mà doanh nghiệp muốn hướng đến. Việc này sẽ giúp tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng hơn, đồng thời, thu hút được khách hàng đến với sản phẩm. Danh mục sản phẩm được phân làm 3 tầng phễu chính bao gồm: - Sản phẩm đầu phễu: hay còn gọi là sản phẩm dẫn. Tính chất của sản phẩm này là rẻ nhưng phải chất lượng, sản phẩm phải thu hút được khách hàng và lợi nhuận không cao. Mục đích nhằm thu hút được khách hàng đến quầy hàng (tại cửa hàng vật lý hay tại các trang thương mại điện tử, website bán hàng, facebook page,...). - Sản phẩm chủ lực: Sản phẩm này sẽ nằm ở giữa phễu sản phẩm. Tính chất của nhóm sản phẩm này là mang lại nguồn doanh thu chính và ổn định cho doanh nghiệp, cũng là nhóm sản phẩm chủ lực tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Giá và lợi nhuận của nhóm sản phẩm này sẽ ở mức ổn định. - Sản phẩm cuối phễu: Sản phẩm cuối phễu có tính chất gia tăng tỷ lệ lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đó là những sản phẩm vô cùng chất lượng, đúng nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm cuối phễu có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn hẳn 2 nhóm sản phẩm phía trên, chấp nhận mức sản lượng bán ra sẽ không được cao nhưng bù lại lợi nhuận vượt trội hơn hẳn. Minh họa phễu sản phẩm (Nguồn ảnh: sưu tầm) Vì sao cần dùng Sản phẩm dẫn? Sản phẩm dẫn có rất ít hoặc không có lợi nhuận (thậm chí là lỗ) nhưng vì sao cần dùng Sản phẩm dẫn trong doanh nghiệp? Bởi trong hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng tương tự như doanh nghiệp của bạn trên thị trường, làm sao để khách hàng biết đến và sử dụng dịch vụ của bạn. Đáp án là cần tăng sự chú ý của khách hàng nhiều hơn, có nhiều phương pháp như đầu tư marketing, tăng cường tổ chức các event, tung sản phẩm mẫu,...nhưng điểm chung của các phương án trên là cần đầu tư rất nhiều chi phí. Bằng việc tung ra các sản phẩm dẫn sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm của doanh nghiệp của bạn hơn, mục đích không chỉ là để bán các sản phẩm dẫn với giá rẻ, mà để thu hút khách hàng vào xem danh mục sản phẩm. Tăng được lượt khách hàng vào xem sản phẩm, bạn sẽ dễ dàng thu hút thuyết phục khách hàng mua các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm cuối phễu hơn, từ đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) Nên chọn và thiết kế như thế nào để tăng tính hiệu quả của sản phẩm dẫn? 1. Sản phẩm dẫn sẽ là sản phẩm dễ dàng bắt mắt thu hút khách hàng: Đó có thể là những sản phẩm theo đúng mùa - ví dụ: mùa hè thì các nhãn hàng thời trang thường tung ra các mẫu áo hè đẹp với giá vô cùng hấp dẫn; những sản phẩm thông dụng - ví dụ: các nhãn hàng thời trang thường có những "deal hời" hoặc sale 1k cho các sản phẩm kem chống nắng - mặc hàng mà tất cả các chị em phụ nữ đều cần dùng; những sản phẩm kích đúng nhu cầu của khách hàng tại thời điểm đó - ví dụ: những quán bún đậu thường hay có chương trình mua combo bún đậu thì sẽ được mua trà tắc với giá 1k hoặc nhiều quán còn là mua combo bún đậu tặng kèm trà tắc. Vậy, ta nên chọn sản phẩm dẫn sao cho sản phẩm dẫn thu hút, dễ tiếp cận hoặc đánh đúng nhu cầu khách hàng cần. 2. Sản phẩm dẫn phải được sắp xếp một cách khéo léo và tinh tế để thu hút khách hàng Ví dụ khi bạn muốn đẩy nhanh các sản phẩm chủ lực thì hãy đặt sản phẩm dẫn cạnh bên hoặc đặt sao cho sản phẩm chủ lực thật bắt mắt để khi khách hàng đến mua sản phẩm dẫn sẽ dễ dàng nhìn thấy và xem sản phẩm chủ lực. Tương tự cho việc bán hàng online trên các trang thương mại điện tử hoặc website, sản phẩm chủ lực cũng nên được khéo léo sắp xếp sao cho người dùng click vào mua sản phẩm dẫn sẽ dễ dàng thấy và xem được các sản phẩm chủ lực của cửa hàng. 3. Cần lưu ý lựa chọn sản phẩm dẫn nào có mức giá vốn tương đối thấp và chất lượng ổn Nếu bạn chọn 1 sản phẩm quá chất lượng với giá vốn cao để sẵn sàng bán thật rẻ thu hút khách hàng, nếu không có dòng tiền đủ mạnh bạn sẽ dễ gặp rủi ro thiếu hụt nguồn vốn để tiếp tục kinh doanh bởi sản phẩm dẫn thường có lượng bán ra rất cao, càng bán càng lỗ sẽ khiến bạn khó khăn trong dòng tiền, nhất là với doanh nghiệp làm ngành hàng bán lẻ thì dòng tiền cực kỳ quan trọng. Case study Sản phẩm dẫn với thương hiệu Gà rán tại Việt Nam Từ những năm 2014, các thương hiệu và các cửa hàng gà rán mọc lên nhanh chóng, có thể thấy như thương hiệu KFC du nhập vào Việt Nam đầu tiên, sau đó các thương hiệu gà rán khác như Lotteria, Jollibe, Popeyes,...dần dần tiến vào thị trường Việt Nam. Ở thời điểm đó, mô hình cửa hàng với máy lạnh, ghế ngồi đệm, ngồi bàn cao rất xịn, nhân viên niềm nở, nhiệt tình,...đã dường như còn mới mẻ với người dân Việt Nam. Bởi giá cả có phần cao hơn so với 1 bữa ăn truyền thống mà người Việt Nam chi trả, gà rán chỉ dành cho các dịp đặc biệt như sinh nhật (chiến lược tổ chức sinh nhật tại quán cũng rất hay và rất hiệu quả, có dịp mình sẽ làm bài phân tích chiến lược này của các thương hiệu như KFC hay Lotteria), các bữa ăn cuối tuần,...nó không thể thay thế suất ăn hằng ngày của người Việt. Và tâm lý nhìn thấy cửa hàng sang trọng, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp,...tạo nên tâm lý "e dè" với những khách hàng có "hầu bao" trung bình, từ đó việc tiếp cận đến khách hàng trở nên hạn chế hơn. Để lôi kéo và đưa khách hàng đến cửa hàng, các thương hiệu gà rán này đã dùng chiến lược Sản phẩm dẫn. Bạn có đoán được Sản phẩm dẫn của họ là gì không? Đó chính là sản phẩm kem tươi. Ở thời điểm đó, mình nhớ không nhầm 1 chiếc kem tươi ở Jollibe hay Lotteria chỉ có giá 3 nghìn 1 cây, nhưng hương vị rất ngon và kem vô cùng chất lượng. Bạn đoán bán với giá 3 nghìn với mặt bằng, nhân viên và cơ sở vật chất như trên thì họ có lãi không? Có chứ! Nhưng không phải lãi ở việc bán kem, mà lãi chính là việc họ thu hút khách hàng đến với cửa hàng. Kem ngon rẻ thu hút được rất nhiều khách hàng đến thưởng thức. Tâm lý khách hàng phần đông sẽ ngại khi đến cửa hàng mà chỉ ăn 1 cây kem 3 nghìn, họ sẽ mua thêm 1 số sản phẩm gà rán. Hoặc có thể nhiều khách hàng không mua thêm các sản phẩm khác, nhưng họ có thể nhìn qua được mức giá và các sản phẩm gà mà các thương hiệu này bán, và cũng trải nghiệm cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ của cửa hàng. Việc này bước đầu giúp các thương hiệu gà rán với mô hình kinh doanh mới đã tiếp cận được với thị trường Việt Nam. Khoảng 3 năm trước khi còn làm văn phòng, 1 số thời gian trống vào buổi tối và cuối tuần mình có mở một shop online nhỏ bán quần áo cho thú cưng. Mình có áp dụng phân tầng sản phẩm và lựa chọn sản phẩm dẫn. Thời điểm đó mình lựa chọn sản phẩm dẫn mùa hè là 1 chiếc áo ba lỗ với chất liệu cực kỳ chất lượng mà giá chỉ 29 nghìn (ngang giá nhập vào), mùa noel thì là chiếc đầm noel đỏ cực xinh bằng nhung với giá chỉ 39 nghìn (ngang giá nhập vào),...Trước và sau khi áp dụng đẩy sản phẩm dẫn vào cửa hàng mình có làm số liệu thống kê, số liệu chỉ ra rất rõ khi áp dụng sản phẩm dẫn doanh số của mình đã tăng khoảng 30-50% (tùy thời điểm), so với khi không dùng sản phẩm dẫn thì con số trên là rất tốt cho doanh thu của cửa hàng thời điểm đó. Mình thấy cũng có rất nhiều các shop online đã sử dụng chiến lược này, đây là một trong những chiến lược tốt cho các cửa hàng bán lẻ online hay cửa hàng vật lý khi bạn biết cách tính toán và thực hiện nó một cách bài bản. Hi vọng bài viết trên đã phần nào giúp bạn có thêm kiến thức và góc nhìn trong chiến lược kinh doanh để áp dụng vào doanh nghiệp của mình. Chúc bạn dễ dàng thăng tiến và nâng cao doanh số cho doanh nghiệp mình với chiến lược về sản phẩm dẫn phía trên! By Hyn,
- Trong cuộc sống, hãy luôn tìm cho mình một người dẫn dắt
Trong cuộc sống, ba người ta luôn cần có: Một người là chỗ dựa tinh thần để quay về sau mỗi ngày làm việc; Một người ta có thể chia sẻ khó khăn khi cần; và Một người thầy để dẫn dắt, cho mình biết điều nào nên và không. Trong mỗi giai đoạn của sự nghiệp và cuộc đời, có lúc nào bạn cảm thấy lạc hướng? Ta không biết mình cần gì hoặc những quyết định ta đưa ra là nên hay không. Tìm được một người dẫn dắt - một người mình có thể gọi bằng thầy, sẵn sàng cho mình lời khuyên và thấu hiểu con đường mình đang phải trải qua, bạn sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn trên con đường mình đi, dù bạn đang đi học, đang làm việc cho một công ty hay đang trên con đường khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp của chính mình. Vì sao nên có cho mình một người đồng hành, dẫn dắt? Ta luôn có thể tự học, tự tìm hiểu, làm, thử và sai. Sách vở, thông tin tài liệu đều giúp trau dồi thêm vốn kiến thức và củng cố năng lực, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, việc tiếp cận với các trang thông tin, video hướng dẫn trở nên vô cùng dễ dàng. Vậy người thầy đóng vai trò như thế nào với cá nhân mỗi người? Người thầy sẽ là người cho mình biết nên học gì, nghiên cứu những thông tin nào thì phù hợp. Bạn có thể học rất nhiều nhưng liệu có đang học đúng những kiến thức cần thiết để phục vụ cho mục tiêu của bản thân hay không? Bạn có thể tự mình thử và sai trong công việc nhưng người thầy sẽ nói cho bạn nghe, bạn nên đi hướng nào sẽ không vấp phải những sai lầm mà họ, hoặc nhiều người khác từng mắc phải. Có rất nhiều con đường khác nhau để đi đến đích, nhưng nếu bạn tự đi, con đường có thể sẽ dài và vất vả hơn rất nhiều. Người thầy sẽ dẫn dắt và đưa ta đến mục tiêu nhanh hơn và không mắc phải nhiều sai lầm đau thương. Đôi khi, người thầy sẽ là người rất hiểu cảm nhận của bạn trong từng bước đi đến mục tiêu, bởi họ cũng đã từng bước những bước đi tương tự, đôi khi, họ cũng sẽ là nguồn động viên khích lệ khi ta chùn bước, mệt mỏi và muốn từ bỏ. Vậy làm gì để tìm được người thầy phù hợp? Bạn cần phải biết mình thực sự muốn gì? Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, bạn cần phải hiểu bạn thực sự mong đợi gì và muốn gặt hái được những gì? Ví dụ Khi đi học, bạn muốn mình có thành tích tốt hoặc có được học bổng du học; khi bạn mới vào nghề, bạn muốn mình trở thành một người có kinh nghiệm và thăng tiến;...bạn hãy tìm hiểu và tự hỏi mình câu hỏi: mình đang thực sự mong muốn điều gì? Điều này cực kỳ quan trọng bởi nó sẽ định hướng cho mình để nỗ lực và cố gắng đạt được điều bản thân mong muốn. Khi bạn thực sự hiểu được mình mong muốn gì, bạn mới có thể tìm được cho mình những người thầy phù hợp. Khi bạn sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện Nếu ta không muốn học hỏi, tìm hiểu thì sẽ không bao giờ có thể tiếp thu được, khi và chỉ khi bạn thực sự muốn học hỏi, muốn tìm hiểu thì bạn mới có thể chủ động hỏi, chủ động tìm kiếm cho mình người thầy phù hợp. Một khi bạn thực sự muốn và chủ động tìm kiếm, bạn sẽ có rất nhiều kênh khác nhau: từ các cộng đồng, từ các tổ chức hoặc từ các mối liên hệ,... Việc bạn sẵn sàng lắng nghe, cho phép mình tiếp thu những kiến thức mới chính là cách để ta học hỏi và thu được cho mình những mảnh ghép giá trị để bước đi trên hành trình đạt được mục tiêu của bản thân. Người thầy có thể là một người cũng có thể là rất nhiều người, mỗi người sẽ cho bạn một góc nhìn, một vốn kiến thức để bạn trau dồi trên hành trang hướng đến mục tiêu của bản thân. Người thầy hay có thể là mentor, coach, hoặc thậm chí là một người bạn, một anh chị em có nhiều kiến thức và trải nghiệm hơn ta trong lĩnh vực mà ta đang muốn tìm hiểu. Biết mình muốn và cần gì, sẵn sàng và chủ động học hỏi sẽ giúp bạn tìm thấy những người phù hợp. Mình tin là bạn sẽ thuận lợi và tiến nhanh hơn, xa hơn để đến được với mục tiêu của bản thân mình khi có một người thầy - một người dẫn dắt thích hợp. By Hyn,
- Con đường tự do tài chính với Kim Tứ Đồ của Robert Kiyosaki
Cụm từ Tự do tài chính được nói đến rất nhiều và cũng là đích đến mà mọi người đang hướng đến. Để đi đến được con đường tự do tài chính có rất nhiều cách, nhưng hôm nay chúng ta hãy cùng phân tích Con đường đến tự do tài chính với Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki. Robert Kiyosaki là nhà đầu tư, doanh nhân, diễn giả và tác giả nổi tiếng người Mỹ - Thuật ngữ Kim tứ đồ được Robert Kiyosaki đặt tên cho mô hình về tiền trên thế giới và cách nó được tạo ra. Kim Tứ Đồ thường được Robert Kiyosaki nhắc đến trong các nội dung bài giảng về thu nhập thụ động và làm thế nào để nhận biết cơ hội đầu tư. Ông chia con người ra thành 4 nhóm: Người làm thuê, Người làm tự do, Chủ doanh nghiệp và Nhà đầu tư. Mô hình Kim tứ đồ (Ảnh sưu tầm) Kim tứ đồ chỉ ra 4 bước đi của một người để đạt đến tự do tài chính: Nhóm 1 - Nhóm E (Employee) Nhóm E (Employee) thường là bước đầu tiên trong hành trình xây dựng tài chính cá nhân, đó là làm thuê. Có thể là làm nhân viên văn phòng, hay kể cả vị trí quản lý hay nhân sự cấp cao, ban giám đốc. Việc bạn đi làm, dùng thời gian, sức lao động của mình để được nhận thù lao. Làm thuê sẽ mang đến cho bạn thu nhập ổn định và rất nhiều phúc lợi khác đi kèm như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, tiền thưởng,...bạn dễ dàng kiểm soát được tài chính và dòng tiền của mình hằng tháng bởi thu nhập thường là cố định hoặc có thay đổi nhưng trong tầm đoán định được (ví dụ làm sale thì ngoài lương cứng sẽ có thêm hoa hồng). Tuy nhiên, số tiền này được giới hạn bởi người chủ công ty, doanh nghiệp, bạn cũng nắm rủi ro mất việc bất cứ lúc nào. Nhóm 2 - Nhóm S (Self-employed) Nhóm S (Self-employed) là tự làm chủ, hoàn toàn tự làm cho mình mọi thứ hoặc thuê nhân viên làm cùng. Họ thường có một doanh nghiệp nhỏ bán một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể và làm việc với một số người mà họ thuê. Dòng tiền và thu nhập của bạn sẽ ít ổn định hằng tháng, có lúc cao có lúc thấp tùy vào tình hình kinh doanh của mình. Thường thấy là những người làm việc tự do, tự kinh doanh, KOL, KOC,...tự mình làm việc để tạo ra tiền cho bản thân, và có thể thuê 1 vài nhân viên làm việc cho mình. Nhóm 3 - Nhóm B (Business Owner) Nhóm B (Business Owner) là những chủ doanh nghiệp. Họ không trực tiếp làm việc mà đi thuê công nhân viên làm việc cho mình. Nói cách khác họ tạo ra một “hệ thống” với quy trình rõ ràng để kiếm tiền về cho mình. Họ sẵn sàng bỏ tiền tuyển những người có chuyên môn cao, điểm nhiệm tốt vị trí cần làm để có thể tạo ra hiệu suất công việc tốt nhất, giảm tải công việc cho bản thân họ. Nhóm này có vẻ khá giống với nhóm Self-employed, nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa nhóm Self-employed và Business Owner chính là Self-employed tự làm việc cho mình để tạo ra thu nhập trong khi Business Owner sẽ đi thuê người, xây dựng hệ thống để cho doanh nghiệp tự vận hành. Doanh nghiệp hoạt động dưới dạng Self-employed nếu người làm chủ đi vắng doanh nghiệp đó sẽ rất khó để tiếp tục hoạt động hằng ngày, nhưng doanh nghiệp dưới dạng Business Owner chủ doanh nghiệp không trực tiếp làm việc nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn hoạt động mượt mà bởi đã có hệ thống và quy trình rõ ràng, rành mạch và không phụ thuộc quá nhiều vào người chủ. Nhóm 4 - Nhóm I (Investor) Nhóm I (Investor) là những nhà đầu tư, là người dùng tiền để tạo ra tiền. Thường thì họ mua tài sản sau đó bán chúng đi để hưởng nguồn lợi nhuận từ chênh lệch giá. Họ có thể đầu tư có cổ phiếu, bất động sản, hoặc đầu tư vào các công ty để có cổ phần, giá trị của công ty gia tăng tức khối lượng tài sản của họ cũng từ đó gia tăng. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy thị trường đầu tư ở Việt Nam ngày một lớn mạnh khi có rất nhiều các quỹ đầu tư đã và đang nở rộ, phát triển không ngừng; hoặc phiên bản của 1 chương trình truyền hình của Mỹ là Shark Tank được thực hiện tại Việt Nam và cũng ít nhiều có tiếng vang trong ngành đầu tư tài chính hoặc các start-up đang tìm kiếm nguồn vốn, các Shark chính là những người Investor. Xác định con đường tự do tài chính cho bản thân mỗi người... Thông thường, con đường tự do tài chính mà rất nhiều người thực hiện và có hiệu quả đó chính là đi theo từng bước trong mô hình Kim tứ đồ. Cụ thể: Bạn làm thuê và tiết kiệm tiền, tích lũy kinh nghiệm => Bạn "làm thuê cho chính mình" (Self-employed) => Bạn phát triển mô hình kinh doanh Self-employed của mình thành một doanh nghiệp với hệ thống quy trình, nhân sự, tài chính doanh nghiệp một cách rõ nét và có thể hoạt động độc lập mà không cần đến sự điều hành của bạn quá nhiều (Business Owner) => Cuối cùng, khi tích lũy được đủ nhiều, bạn sẽ dùng tiền mình có để đầu tư vào các quỹ đầu tư, tự đầu tư bằng cổ phiếu, bất động sản, hay cổ phần và rất nhiều hình thức đầu tư khác (Investor). Bạn tạo ra rất nhiều "chú trâu cày" ra tiền cho mình và dần dà sẽ bước đến con đường Tự do tài chính. Vậy người làm thuê (Employee) có thể đi đến tự do tài chính mà không cần tự kinh doanh (self-employed) hay mở doanh nghiệp (business owner) được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Bạn có thể đi làm thuê, sau đó tích lũy tiền và tiến hành mang tiền tiết kiệm của mình để đầu tư. Ban đầu có thể đầu tư nho nhỏ như vàng, chứng khoán hay gửi các quỹ đầu tư, lâu dần có thể mua bất động sản để cho thuê hoặc mua đi bán lại để lấy được tiền chênh lệch. Hoặc bạn có thể làm việc thật tốt, đủ lâu và đủ vững trong công ty mà bạn đang làm thuê, để được nhận cổ phiếu ESOP, phần trăm cổ phần trong công ty,...cuối năm, bạn cũng sẽ được chia lợi nhuận, cổ tức từ chính doanh nghiệp của mình. Hiện nay mình thấy nhiều công ty trả thưởng bằng ESOP, điều này mang đến cơ hội cho bạn sở hữu 1 phần tài sản của công ty, khi công ty ngày một lớn mạnh, tài sản này cũng lớn mạnh hơn và bạn có thể bán hoặc hưởng lợi từ những phần này. Ngoài ra còn rất rất nhiều cách khác mà bạn có thể đi đến tự do tài chính (dĩ nhiên không phải từ việc lừa đảo trộm cắp...). Ta hoàn toàn có thể tự thiết kế và xây dựng con đường Tự do tài chính cho riêng mình, miễn là bạn đủ hiểu bản chất của Tự do tài chính, hiểu và biết cách quản lý Tài chính cá nhân, biết cách đầu tư tài chính,...mà theo mình, bạn có thể học được từ rất nhiều nguồn, nhất là sách. Chúc bạn sớm đạt đến tự do tài chính một cách nhanh chóng, bền vững và hạnh phúc! By Hyn,
- Công thức viết content thu hút cho social media
Việc viết và xây dựng content cho các kênh social media như Facebook page, Facebook group, Linkedin, Instagram, Tiktok,...là một trong những vấn đề kiến các start-up thời gian đầu dành khá nhiều thời gian hoặc tiền bạc. Với một số công thức viết content sau đây mà mình tìm hiểu sưu tập được và đã áp dụng cho trang Facebook page của doanh nghiệp mình, mình đã tiết kiệm được kha khá thời gian cũng như tăng độ thu hút cho Page. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) Trước khi viết content, ta phải định hướng cho Page: Page mục đích ngoài làm branding còn có mục đích gì và hướng đến đối tượng nào. Từ đó đưa ra những chỉ mục content phù hợp. Ví dụ page của mình là Trường đào tạo công nghệ & lập trình cho trẻ em, nên mình hướng đến 2 đối tượng chính: 1 là phụ huynh học sinh (chiếm 70%) và 2 là các em học sinh cần tìm các tips học tập (chiếm 30%). Từ đó định hướng nội dung bao gồm PR khóa học, Các tips cho phụ huynh nuôi dạy trẻ trong thời đại công nghệ số, Các tips cho học sinh và cuối cùng là Chia sẻ các tin tức liên quan trong ngành. Khi đã có mục content, ta điều hướng và xác định số lượng bài content theo tuần, trong 1 tuần nên pick-up những content chủ đề gì và phân bổ sao cho content đi đúng tới các chỉ mục mà mình hướng tới. Giờ thì khi đã có target audience (đối tượng mục tiêu) và mục tiêu của bài viết (nhằm PR quảng cáo, nhằm nêu kiến thức, hay nhằm chia sẻ thông tin), bạn sẽ có thể dùng các công thức phù hợp. Dưới đây là các công thức phù hợp với từng mục tiêu mà bạn muốn viết cho social content. Công thức AIDA Công thức AIDA sẽ phù hợp khi bạn viết các bài PR cho sản phẩm của mình để khuyến khích, thúc đẩy target audience ra quyết định mua hàng. Mô hình AIDA là viết tắt 4 chữ cái đầu của 4 từ: Attention – Chú ý: Thu hút sự chú ý của người đọc; Interest – Thích thú: Khơi gợi sự quan tâm và tò mò; Desire – Mong muốn: Kích thích mong muốn được sở hữu; Action – Hành động: Thúc đẩy quyết định đưa ra hành động mua hàng. Đây cũng là công thức kinh điển nhất tạo được sự kích thích và khơi gợi mong muốn mua hàng của khách hàng thông qua kênh truyền thông từ social media. (Nguồn ảnh: Sưu tầm) 2. Công thức FAB Công thức FAB sẽ phù hợp cho việc giới thiệu các sản phẩm dịch vụ cho target audience để giúp họ có đầy đủ thông tin nhất về sản phẩm, dịch vụ của bạn. Công thức marketing FAB là một mô hình được các doanh nghiệp sử dụng để hiểu lý do tại sao khách hàng lựa chọn mua sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó điều chỉnh chiến thuật bán hàng và tiếp thị để phù hợp với những thị hiếu đó. FAB là viết tắt của 3 từ: Features – Tính năng: Những điều sản phẩm dịch vụ được cung cấp có thể làm; Advantages – Ưu điểm: Sản phẩm dịch vụ hiện có mang lại lợi ích gì và khác biệt gì so với đối thủ cạnh tranh. Liệt kê ít nhất 3 ưu điểm vượt trội của mỗi tính năng; Benefits – Lợi ích: Những điều người mua muốn nhận được trên mỗi ưu điểm từ sản phẩm. Liệt kê ít nhất 3 lợi ích trên mỗi ưu điểm. 3. Công thức PAS Công thức PAS tiếp cận bởi "nỗi đau" của khách hàng, cho thấy ta am hiểu nỗi đau và hết mình giúp khách hàng giải quyết các vấn đề, khó khăn của khách hàng. Đây cũng là phương pháp hay giúp kéo lượt truy cập bởi những dòng đầu khi đọc vào, khách hàng cảm nhận đây là vấn đề mà mình gặp phải, và họ sẽ đọc tiếp để tìm giải pháp. Ưu điểm lớn nhất của PAS chính là sự tinh gọn, giản đơn, dễ hiểu và dễ sử dụng trong mọi tình huống. Công thức này được áp dụng cho nhiều loại hình Marketing khác nhau không chỉ là quảng cáo Facebook mà còn là tờ rơi, thư điện tử, bài PR và kịch bản TVC. Problem – Vấn đề: Đưa ra một hoặc các vấn đề rắc rối chung mà khách hàng mục tiêu đang gặp phải; Agitate – Kích động: Dùng cảm xúc tiêu cực để kích động vấn đề, khiến việc đó sẽ tồi tệ hơn khi không được giải quyết; Solution – Giải pháp: Nhấn mạnh cho người tiêu dùng tính năng đặc biệt nổi trội của sản phẩm dịch vụ có thể giải quyết rắc rối cá nhân của họ. 4. Mô hình BAB: Mô hình BAB thực ra rất gần gũi và được sử dụng rất nhiều, nhất là trong các bài quảng cáo các loại mỹ phẩm: Trước - Trong - Sau quá trình sử dụng. Tuy nhiên, mô hình này lại rất dễ tiếp cận và trực quan nên bạn có thể áp dụng mô hình này vào việc xây dựng content cho Page của mình. BAB cụ thể được viết tắt bởi: Before – Trước: Tình trạng của khách hàng trước khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ; After – Sau: Tình trạng của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ; Bridge – Bắc cầu: Cầu nối của Before- After ở đây chính là sản phẩm, dịch vụ; nhấn mạnh lợi ích mà sản phẩm và dịch vụ mang lại cho khách hàng. Dưới đây là một số công thức social content thu hút và dễ tiếp cận được với khách hàng. Bạn có thể thử nghiệm và thực hiện nó cho Fanpage của mình. Chúc bạn sẽ dễ dàng thu hút, tạo được tương tác thật tốt cho doanh nghiệp của mình nhé! By Hyn,
- Khởi nghiệp, đừng bỏ cuộc....
Gửi những bạn đang trên hành trình khởi nghiệp như mình, chúng ta hãy kiên trì và cố gắng bước tiếp, bởi khởi nghiệp là một hành trình, trải nghiệm mà hành trình này mang lại quý giá hơn bất kỳ điều gì. Dù biết hành trình này vốn chứa đầy chông gai, cần lắm những nỗ lực và sự kiên nhẫn, nhưng hãy làm việc hết mình, hạnh phúc khi những bước đi trong startup của mình được thành hình. Đó mới là những điều quý giá ta nhận được trong hành trình khởi nghiệp. Bài viết này không đưa ra nhiều lý luận hay lời khuyên, đơn giản đây là một sự động viên và sự chia sẻ với những bạn đang trên hành trình khởi nghiệp và với chính bản thân mình - cũng đang trên hành trình khởi nghiệp. Bởi hành trình này khó để bắt đầu nhưng rất dễ để từ bỏ. Khởi nghiệp, có bao giờ bạn mệt mỏi và muốn quay về cuộc sống văn phòng, đi làm thuê không? Mình đã và rất nhiều lần như vậy. Trước khi khởi nghiệp, mình là một cô nhân viên văn phòng với vị trí công việc rất tốt, được đồng nghiệp bạn bè yêu thương, có tiếng nói trong cộng đồng của mình và là người rất mạnh trong chuyên môn, hơn hết là thu nhập rất cao và rất nhiều phúc lợi tốt. Nhưng ngày qua ngày mình cảm thấy bình thường với những điều này và cảm thấy ngột ngạt, mất phương hướng, mình là ai và là gì trong cuộc sống này? Liệu rằng ra ngoài kia, gỡ bỏ những "danh xưng" đầy kiêu hãnh trong công việc này thì mình là ai? Ừ thì chẳng là ai cả. Mình muốn làm khác đi và từ bỏ những điều này! Và hành trình khởi nghiệp bắt đầu. Biết sẽ có khó khăn và chông gai đó, nhưng vẫn cương quyết đi. Dù đã lường trước đó, nhưng vẫn không ít lần nản lòng mệt mỏi. Khi khởi nghiệp, mình bước những bước đi từ con số O tròn trĩnh, không là ai, không là gì, thậm chí cũng không có thu nhập trong nhiều tháng liền mà phải sống bằng tiền tiết kiệm mà mình đã để dành được trong suốt quá trình đi làm. Dăm lúc thất bại trong hành trình khởi nghiệp, những khó khăn mà tưởng chừng không có cách giải quyết, mình lại muốn dừng lại tất cả, quay lại cuộc sống văn phòng ngày trước, thu nhập ổn định, cuộc sống nhẹ nhàng. NHƯNG. Khi muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ lại lý do mình bắt đầu, để đi đến hành trình khởi nghiệp này, mình đã trải qua rất nhiều thứ phải không? Đừng nản chí và dừng lại, vì biết đâu, mình và các bạn đang trên sườn dốc, dốc càng cao, đỉnh núi càng gần, cố gắng thêm nữa, đỉnh núi sẽ hiện ra trước mắt thôi. Đừng bỏ cuộc nhé! Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023... 30/06/2023 By Hyn,
- Những người "dữ dằn" liệu có "dữ dằn" không?
Bạn đã bao giờ từng gặp những người có tính cách hung dữ, dễ nổi nóng, chửi bới hay khó chịu không? Bạn đã làm gì trong những hoàn cảnh đó? Từ khi mình còn rất bé, khi thấy những người dữ dằn, dễ nổi nóng, mình thường có xu hướng không có cảm tình, không muốn lại gần hay thậm chí có phần sợ hãi những người này. Khi học và làm việc ở Sài Gòn 10 năm, mình còn chứng kiến nhiều hơn nữa những người hung dữ, chửi bới khó chịu, đã có đôi lần mình tò mò liệu những người này cách sống và môi trường sống của họ như thế nào mà họ có thể như vậy, và liệu là bản chất con người ấy là vậy hay hoàn cảnh, trải nghiệm trong quá khứ đã biến họ thành người như thế. Thời gian và nhiều trải nghiệm, những cú vấp ngã trong cuộc sống đã khiến mình trầm, điềm tĩnh và lắng nghe nhiều hơn. Mình dành nhiều thời gian để đọc, học và hiểu về bản thân, về xã hội và về những người xung quanh. Trải nghiệm đã khiến mình nhận ra tính cách hung dữ, dễ nổi nóng hay khó chịu thực chất đâu đó bản thân mỗi người đều sẽ có, trong đó có cả mình. Mà lý do ẩn sâu trong đó là bởi những tổn thương tâm lý, những trải nghiệm không vui trong quá khứ đã lập trình ta phải luôn bảo vệ mình, luôn phòng vệ như chính bản năng sinh tồn mà con người và vạn vật khác được tạo hóa ban cho. Đến bây giờ, khi gặp ai đó hung dữ, mình sẽ cảm thấy thương cảm cho họ hơn thay vì ghét bỏ họ, bởi mình hiểu sâu trong bản thân họ, họ đã có những nỗi đau hoặc những trải nghiệm rất không tốt trong quá khứ, hoặc thậm chí, với ngày xưa, khi mình nổi giận với ai đó, khi sự việc đó qua đi, mình thường cảm thấy giằn vặt vì sao mình làm vậy, nhưng giờ mình hiểu và thương cho bản thân hơn. Điều này không cổ xúy cho ý nghĩa ta cứ tiếp tục hung dữ khi gặp vấn đề, mà mình biết giới hạn và thời điểm nào nên hay không, và cách để hành xử thật phù hợp cho từng trường hợp, bạn có quyền hung dữ nhưng lựa chọn có hung dữ hay không là ở bạn. Nguồn ảnh: Sưu tầm Biết giới hạn và làm cho người khác biết đâu là giới hạn của bạn Khi bạn gặp một ai đó nói những điều không đúng về mình, dĩ nhiên ta sẽ nổi giận và phản ứng để phản bác lại điều này, điều này hình thành là bởi sâu trong tâm trí, ta luôn muốn bảo vệ mình như một bản năng tự nhiên, khi ai đó nói điều không phải, bản năng này sẽ trỗi dậy như một cách chứng minh ta hiện hữu với những giá trị hoàn toàn khác với những điều mà họ đã nói. Nếu ai đó chọc giận bạn, sau đó thấy bạn phản ứng, họ nói bạn hung dữ, bạn hãy đừng buồn mà hãy chấp nhận nó, vì sự thật, là bất kỳ ai (kể cả người đang chọc giận bạn) nằm trong hoàn cảnh này cũng sẽ trở nên khó chịu. Vấn đề là hãy đặt ra cho mình giới hạn, mọi chuyện vui đùa giỡn chỉ nên nằm trong giới hạn, quá giới hạn bạn cần phản ứng để người nói hiểu và không tiếp tục nữa. Cách để xử lý những tình huống này nhưng không cần tỏ ra hung dữ Ngày xưa, khi ai nói không đúng về mình, mình sẽ tỏ thái độ hung dữ hay khó chịu ngay, nhưng thực ra điều này là không nên vì nó sẽ làm mất hòa khí và những người xung quanh sẽ cảm thấy dè chừng khi tiếp xúc với bạn, người chịu thiệt chỉ có bạn mà thôi, người chọc ghẹo hay kém duyên kia sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Mình biết sẽ rất khó chịu khi bị ai đó phán xét hay nói những điều không hay về bản thân, nhưng tin mình đi, khi bạn đặt ra những giới hạn cho bản thân, điều gì họ nói mình sẽ coi là họ ghẹo (như béo quá, vụng về quá,...) - thì hãy cho qua hay bông đùa theo và điều gì sẽ là giới hạn của bản thân bạn (như họ nói về ba mẹ bạn, gia đình bạn, hay xúc phạm đến danh dự của bạn,...) - thì hãy đừng cho qua và tỏ ra giận dữ để họ biết giới hạn của bạn nằm ở đó. Nếu bất kỳ điều gì họ nói sai về bạn mà bạn cũng tỏ ra giận dữ, bạn sẽ làm mất hòa khí và sẽ ít ai dám đến gần bạn, nếu bạn biết cân đối và vạch ra giới hạn cho bản thân, bạn sẽ ít bị khó chịu và thoải mái hơn trong giao tiếp và ứng xử (nhất là trong môi trường văn phòng vốn đã rất phức tạp). Hiểu và thông cảm cho những người hung dữ bởi... Khi bước vào xã hội, đi ngoài đường hay bất kỳ mối quan hệ nào ngoài khuôn khổ gia đình, bạn sẽ bắt gặp những người hung hăng, dữ dằn, thậm chí hung hăng không lý do, nói ra những lời nói có khi thật chua ngoa khó chịu. Mình thường đánh giá rất tệ và cực kỳ không muốn tiếp xúc với những người này, nhưng nhiều trường hợp bạn phải đối diện với họ hằng ngày. Nhưng hãy dành cho họ nhiều sự cảm thông và thương cảm bởi họ có thể đã từng bị tổn thương, họ sợ người khác làm hại đến mình nên tìm cách phản vệ, tỏ ra hưng dữ để bảo vệ bản thân. Thật lòng không muốn đưa ra ví dụ này nhưng nó cũng hoàn toàn chính xác với loài vật, một chú chó lạ có hành động hung dữ nhưng chưa chắc đó là bản tính của nó, có thể nó đang bị thương hoặc đã từng bị ai đó đối xử không tốt nên nó luôn ở tư thế phòng vệ, nếu ta dùng lòng yêu thương, sự nhẹ nhàng để tìm cách vuốt ve nó, quan tâm nó (điều đó thể hiện qua ánh mắt và cử chỉ, chú chó bản năng thường nhìn vào đôi mắt), nếu cảm giác ta không phương hại gì đến nó thì nó sẽ gỡ bỏ sự phòng thủ và đón nhận yêu thương từ ta. Hãy luôn nhớ, đặt ra giới hạn cho bản thân mình! Đặt ra giới hạn cho bản thân mình như mình chia sẻ phía trên không chỉ nằm ở việc những nội dung mà họ nói (những điều có thể cho qua và những điều đụng đến giới hạn), mà còn là tần suất, nếu tần suất họ nói quá nhiều những điều nhỏ (trước đó bạn đã liệt kê vào phần có thể cho qua) thì bạn cũng cần "tuýt còi" cho họ hiểu, rằng đó cũng là giới hạn của bạn. Việc đặt ra giới hạn và thể hiện sự "tạm gọi là hung dữ" là nên có vì điều này thực sự cần thiết. Hãy thiết lập giới hạn cho bản thân, và đặc biệt yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Hãy dành nhiều sự cảm thông cho những nỗi đau hoặc cách hành xử vô lý của người xung quanh, bởi sâu trong đó, họ cũng đã chịu nhiều tổn thương, đau đớn, cái bạn nhìn thấy chỉ là lớp phòng vệ của họ, phá vỡ lớp phòng vệ của họ chứng tỏ bạn mạnh mẽ và đủ bao dung, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng vui vẻ hơn! (Nguồn ảnh: Freepik) Bài viết này được chỉnh sửa vào ngày 02/07/2023 - lược giản những ví dụ trải nghiệm mình đã trải qua về vấn đề này, vì có khả năng nó sẽ gây cảm xúc tiêu cực khi bạn đọc nó. Mình tin ở mỗi người sẽ đều có những trải nghiệm khác nhau và những điều trên sẽ là đúc kết để chúng ta vượt qua được những lời nói có phần không thiện chí và khiếm nhã. Quan trọng là, ta có quyền lựa chọn từ bỏ những mối quan hệ tiêu cực và lựa chọn sống bên cạnh những người mang lại cho ta sự an nhiên, vui vẻ và tích cực phải không nào? From Hyn,
- Talent Acquisition là gì? Điểm khác biệt Talent Acquisition và Recruitment?
Hơn 3 năm trở lại đây, cum từ “Talent Acquisition”- thu hút nhân tài dần trở nên phổ biến và đang thay thế dần cho cụm từ “Recruitment”- tuyển dụng. Vậy Talent Acquisition xuất phát từ đâu và bộ phận Talent Acquisition làm những công việc gì? Talent Acquisition là gì? Đầu tiên, hãy nói về cụm từ Acquisition. Acquisition bắt nguồn từ 1 thuật ngữ trong ngành Marketing là customer acquisition: thu hút khách hàng. Trong ngành nhân sự, Talent Acquisition được hiểu theo nghĩa thu hút nhân tài cho doanh nghiệp. Talent Acquisition là 1 chuỗi các hoạt động nhằm thu hút nhân tài, cách để biến những cá nhân phù hợp trên thị trường thành những người quan tâm và mong muốn ứng tuyển vào vị trí mà doanh nghiệp đang tuyển, mục tiêu cuối là để có thể tuyển được những người thực sự phù hợp và có năng lực vào doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của bộ phận tuyển dụng và thu hút nhân tài đó là “Hire the right person at the right time” (tuyển đúng người- đúng thời điểm)- nhiệm vụ chính là giúp công ty tìm và thuê được nhiều nhân sự tài năng, phù hợp nhất. Vậy nhiệm vụ của 1 Talent Acquisition là gì? Dưới đây là minh họa cho phễu tuyển dụng-mang tính trực quan nhưng cũng không kém phần thực tế, dựa trên Candidate Journey: Mục đích Talent Acquisition team là giúp công ty gia tăng số lượng “Hire”- số lượng ứng viên được nhận. Vậy theo mô hình phễu, ta có thể thấy được để tăng số lượng “Hire” thì các stages trên cần phải gia tăng số lượng. Với tháp này, ta có thể thấy rõ nhất là số lượng “Awareness” càng lớn, các stages sau sẽ có số lượng càng lớn, nhờ thế mà số lượng “Hire” lớn. Vậy bạn hiểu mình cần làm gì để có nhiều số lượng “Hire” rồi phải không? Đó là gia tăng số lượng “Awareness”. Toàn bộ các bước trên được thực hiện và đảm bảo bởi team Talent Acquisition- đó cũng chính là công việc và nhiệm vụ chính của Talent Acquisition team. Vậy điểm khác biệt giữa Talent Acquisition và Recruitment là gì? Với biểu đồ như trên, bạn dễ nhìn thấy, Talent Acquisition là 1 quá trình xuyên suốt toàn bộ Candidate Journey từ lúc ứng viên chưa biết đến công ty đến lúc họ được nhận và trở thành nhân viên công ty. Trong khi đó, Recruitment sẽ đảm nhận 1 phần trong quy trình của Talent Acquisition từ lúc ứng viên ứng tuyển vào công ty cho đến khi ứng viên được công ty thuê. Vậy có thể nói Talent Acquisition là 1 tổ hợp toàn bộ quy trình xuyên suốt Candidate journey và Recruitment là 1 phần trong hệ thống quy trình và công việc của Talent Acquisition. Nguồn ảnh: Talentfly By Hyn,